Đây là thành quả 30 năm nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước. Nhân sự kiện này, chúng tôi đã có cuộc đối thoại với ông Nguyễn Xuân Liêu, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Mirex.
Chủ Tịch HĐQT-Tổng giám đốc MIREX. Ông Nguyễn Xuân Liêu
Cái người ta vứt đi, mình mới bắt đầu làm
- Cả trăm năm qua, thế giới vẫn sử dụng rộng rãi công nghệ lò cao. Thực tế cho thấy, công nghệ này vẫn đạt được hiệu quả nhất định. Vì sao chúng ta cần phải thay đổi, thưa ông?
- Đất nước ta đang triển khai bước ngoặt về công nghiệp hóa. Mà trong tiến trình này, thép là vấn đề không thể thiếu. Thép là xương sống, là cốt lõi của rất nhiều ngành công nghiệp như: công nghiệp cơ khí, đóng tàu, quốc phòng… Lượng thép tiêu thụ hàng năm phản ánh trình độ phát triển công nghiệp của một quốc gia. Trong khi đó, công nghiệp sản xuất thép của Việt Nam hiện mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Chúng ta mới có những nhà máy cỡ nhỏ, trung bình sản xuất thép cán nhanh, thép cuộn, thép hình cỡ nhỏ và gia công sau cán và đều sử dụng công nghệ lò cao.
Công nghệ lò cao phải trải qua 3 công đoạn. Thứ nhất, từ than mỡ luyện thành than cốc. Ở công đoạn này, có một khâu là nung than mỡ chảy ra rồi dội nước vào. Quá trình dội nước sinh ra rất nhiều khí các-bon-níc thoát ra không khí. Công đoạn thứ hai, từ quặng nấu ra gang cũng thải ra lượng khí các-bon-níc lớn. Cuối cùng, từ gang nấu ra phôi lại tiếp tục thải các-bon-níc. Như chúng ta đều biết, khí các-bon-níc rất có hại cho môi trường.
- Đó là vấn đề môi trường, còn nếu xét dưới góc độ kinh tế?
- Theo tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, ở đất nước này, điểm hoà vốn của lò cao là công suất 700m3. Họ cũng đã quy định việc xây dựng nhà máy thép ở đất liền phải xây lò cao có công suất hơn 1.000m3, ở vùng bờ biển không được dưới 3.000m3. Trung Quốc đã dẹp các lò cao dưới 700m3, trong khi Việt Nam bây giờ mới có dự án lớn nhất là lò cao có công suất 500m3. Tức là cái người ta vứt đi, mình mới bắt đầu làm.
- Điểm hòa vốn trong luyện phôi thép là lò cao công suất 700m3, có nghĩa những lò có công suất nhỏ hơn sẽ lỗ. Tại sao, nhiều nhà sản xuất thép trong nước thấy lỗ mà vẫn làm?
- Có một bài toán mà những nhà quản lý không tính đến. Người ta lãi không ở cái lò cao, mà lãi ở chỗ xuất quặng đi. Tại sao không phải là 4 tấn quặng/tấn cốc, mà lại là 20 tấn? Người ta lãi ròng ở 16 tấn quặng xuất đi. Người ta chỉ tính bài toán kinh tế có lợi cho doanh nghiệp chứ không phải cho đất nước. Xuất quặng, doanh nghiệp được lợi, nhưng nhà nước mất đi tài nguyên thiên nhiên.
Điều kỳ diệu của công nghệ phi cốc
- Chúng ta có quặng, có than, vì sao lại không phát triển công nghiệp luyện phôi, thưa ông?
- Nỗi đau của những người làm thép chính là đó. Mình có quặng, có than xuất ra nước ngoài. Người ta lại dùng đúng cái than, cái quặng ấy luyện ra phôi thép để bán lại cho mình. Như vậy mất tới 3 lần vận chuyển: một lần than, một lần quặng đi, một lần phôi thép về. Mà trong sản xuất thép, tiền vận chuyển chiếm một tỷ lệ khá cao.
Nếu luyện phôi thép theo công nghệ lò cao, lại phụ thuộc vào than cốc. Một thời Trung Quốc cho nhập cốc thoải mái, vì thế, dù giá thành luyện phôi cao hơn họ một chút nhưng chúng ta vẫn làm được. Những năm gần đây, than cốc bị Trung Quốc hạn chế xuất do việc luyện cốc ảnh hưởng lớn tới môi trường. Điều kiện bây giờ để nhập được một tấn than cốc, về mặt lý thuyết, phải xuất tới 4 tấn quặng sắt. Còn trên thực tế, theo tổng kết của hải quan, phải mất tới 20 tấn quặng mới có được một tấn than cốc về.
- Công nghệ phi cốc của Mirex sẽ giải quyết được những bất cập trong sản xuất phôi thép ở Việt Nam, thưa ông?
- 30 năm qua, Mirex và các cán bộ khoa học trong nước đã vùi tâm vào nghiên cứu công nghệ luyện thép phi cốc. Tháng 2-2005, chúng tôi đã đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Ưu điểm lớn nhất của công nghệ luyện thép phi cốc là sử dụng ngay than Antracit sẵn có trong nước. Vì thế, việc luyện phôi thép không phải phụ thuộc vào than cốc nhập khẩu. Thứ hai, hơi nước và khí các-bon-níc trong quá trình hoàn nguyên đã được lọc hấp thụ trước khi thải ra nên gần như không gây hại tới môi trường. Cuối cùng, việc xây dựng nhà máy không cần đầu tư quá lớn, các mô-đun riêng lẻ có thể kết nối lớn nhỏ tùy thuộc vào trữ lượng mỏ.
- Thế còn nếu xét đến hiệu quả kinh tế?
- Cái hay của công nghệ này là làm lò công suất nào cũng có lãi. Chúng tôi đã làm thí nghiệm những lò có công suất từ 5 đến 10m3, hạch toán đều lãi tốt. Nhưng tất nhiên, làm càng lớn thì chi phí gián tiếp ít hơn, lãi nhiều hơn.
- Cụ thể, ông có thể so sánh hiệu quả của phương pháp lò cao và công nghệ phi cốc với cùng công suất 700 tấn?
- Lò của chúng tôi có hiệu quả hơn nhiều lần. Đầu tư lò cao 700 tấn gấp 2-3 lần công nghệ phi cốc. Lò cao 7-8 năm mới thu hồi được vốn, còn chúng tôi chỉ cần 2 năm ở điều kiện bình thường.
Để làm ra thép cao cấp theo công nghệ lò cao, phải làm ra gang. Gang nấu chảy ra rồi gia giảm để giảm các-bon từ 3% xuống 1%. Để thực hiện công đoạn này chi phí rất lớn. Cho nên thép inox nhập về đắt kinh khủng 50-60.000đ/kg. Nếu sản xuất inox từ sắt xốp được sản xuất theo công nghệ phi cốc, vì các-bon thấp sẵn, không phải gia công giai đoạn giữa, nên cho thép inox rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp lò cao truyền thống.
Mở hướng đầu tư sang Lào
- Tôi được biết, Mirex đã có kế hoạch mở rộng sản xuất sang nước bạn Lào. Vì sao cần phải ra khỏi biên giới quốc gia, trong khi Việt Nam vẫn còn khá nhiều mỏ sắt chưa được khai thác, thưa ông?
- Các mỏ sắt ở ta thường có trữ lượng tương đối thấp. Để có thể phát triển rộng sản xuất, chúng tôi cần những nguồn quặng lớn. Trong khi đó, Lào lại là quốc gia rất sẵn tài nguyên thiên nhiên này. Sau khi làm xong ở Cao Bằng, chúng tôi sẽ làm 1-2 nhà máy tại Lào với công suất lớn.
- Việc đầu tư sang Lào có thuận lợi không, thưa ông?
- Mirex đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát và khá thành công khi phát hiện ra một số mỏ sắt có trữ lượng đáng kể tại Lào. Chúng tôi cũng được chứng kiến tình hữu nghị Việt-Lào rất cảm động. Họ rất kính trọng người Việt Nam. Khi tôi gặp các Bộ trưởng, tỉnh trưởng Lào, họ đều hết lòng giúp đỡ. Nhưng sang đó, tôi cũng chứng kiến một nỗi buồn. Tình hữu nghị Việt-Lào vốn bền chặt như vậy mà về mặt kinh tế, các mỏ vàng lớn nhất, những thành phần kinh tế lớn nhất đều do Ô-xtrây-li-a, Trung Quốc, Thái Lan… nắm giữ. Trong khi đó, chính phủ Lào sẵn sàng dành mọi ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Thế mà lâu nay Việt Nam bỏ qua điều đó.
Nếu Mirex thực hiện thành công việc đầu tư sang Lào, chúng tôi sẽ vừa góp phần giúp bạn khai thác hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, vừa giúp bình ổn thị trường thép ở cả Việt Nam lẫn Lào.
Khi chúng ta đưa được tỷ trọng giao lưu kinh tế Việt-Lào cao hơn, thì mối tình hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt Nam-Lào sẽ được vun đắp sâu đậm hơn.
- Xin cảm ơn ông!