Trò chuyện với Ông Nguyễn Ngọc Linh - GĐ Công nghệ Công ty Mirex
Chúc mừng anh vừa được Cục Sở Hữu-Trí tuệ-Bộ Khoa học-Công nghệ cấp bằng sáng chế. Anh có thể cho biết vài nét về quá trình nghiên cứu, tìm tòi để công trình của anh hôm nay được công nhận và được cấp bằng?
Ông Nguyễn Ngọc Linh: Tôi đã có dịp đi qua nhiều vùng của đất nước mình, có rất nhiều tài nguyên, khoáng sản nhưng không làm cách nào để moi lên để biến thành hàng hóa, để làm giàu cho đất nước và bản thân. Nguồn quặng sắt ở Cao Bằng là một ví dụ; theo tôi nguồn quặng sắt Cao Bằng thuộc vào loại có hàm lượng thép tốt và cao của thế giới; ánh thép ngời sáng ngay trong quặng mà bằng mắt thường cũng có thể nhìn thấy. Từ thực tế đó, tập thể chũng tôi có thể nói đã cùng nhau nung nấu một ý chí thép, một niềm tin thép, một quyết tâm thép: phải làm bằng mọi cách để nguồn quặng đó từ tài nguyên trở thành tài sản quốc gia, phải thành hàng hóa.
- Thép là mặt hàng chiến lược không một quốc gia nào không cần đến nó. Tập thể chúng tôi với anh Nguyễn Xuân Liêu có thể coi là người anh cả của nhóm; anh Nguyễn Xuân Liêu là người dám đặt niềm tin thép vào anh em chúng tôi, những trí thức đã có lúc được xếp vào diện “cù bơ cù bất”; anh Liêu tập hợp, đầu tư, động viên, giao việc để chúng tôi cùng anh tìm cách giải cho ra bài toán nan giải mà chưa có đáp án tiền lệ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Để có được sự thừa nhận, được Cục Sở Hữu-Trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng phát minh sáng chế, chúng tôi đã bỏ ra một thời gian trên 10 năm tìm tòi, nghiên cứu, thí nghiệm và có cả sự chờ đợi nữa. Công trình nghiên cứu này tôi với tư cách là tác giả, chính thức nộp đơn đề nghị được công nhận là sản phẩm phát minh sáng chế từ năm 2005...
Anh cho biết những nét chính của sáng chế và giá trị ứng dụng?
- Để ra được sản phẩm thép công nghiệp, từ trước đến nay thế giới và Việt Nam vẫn luyện thép theo công nghệ truyền thống: Nguyên liệu là quặng sắt được đưa vào lò cao và luyện bằng than coke; từ lò cao cho sản phẩm gang, từ gang luyện thành phôi thép, từ phôi thép mới ra sản phẩm thép hàng hóa...
Đây là một quy trình công nghệ đầy thách thức đối với ngành công nghiệp luyện thép Việt Nam bởi vì: Chúng ta có nhiều quặng sắt nhưng chúng ta lại không có nhiều than mỡ để luyện thành than coke, cung cấp cho các lò luyện gang. Chưa kể công nghệ luyện thép này có một nhược điểm lớn đó là thải ra nhiều khí CO2 trong quá trình luyện. Cơ sở luyện thép ở Thái Nguyên mỗi năm chỉ sản xuất được 180.000 tấn thép vì lượng than mỡ ở đây để luyện than coke chỉ đáp ứng được chừng đó. Muốn nâng sản lượng thì phải nhập than coke của nước ngoài, đầu vào sẽ bị đẩy lên và thị trường không thể chấp nhận.
Chúng tôi đã mày mò nghiên cứu để tìm đáp án cho giải pháp công nghệ thay thế than coke bằng than gầy có sẵn tại Việt Nam. Khi sử dụng than gầy Antracit khai thác tại Quảng Ninh, đưa vào lò nung cùng với quặng sắt Cao Bằng; bằng công nghệ hoàn nguyên do chúng tôi nghiên cứu phát minh, chúng tôi đã luyện quặng sắt Cao Bằng với than gầy Antracit để cho ra sản phẩm sắt xốp và gang.
Chúng tôi chính thức đăng ký quyền phát minh-sáng chế tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam vào tháng 2 năm 2005. Với công nghệ hoàn nguyên, tức là công nghệ tái sử dụng khí CO2, triệt tiêu ngay trong quá trình luyện thép trong lò cao, không thải khí CO2 ra môi trường. Như vậy phát minh sáng chế của chúng tôi tìm ra cùng một lúc đưa ra được các đáp án lớn cho bài toán công nghệ luyện thép của nước ta: sử dụng được nguyên liệu tại chỗ mà lại thân thiện với môi trường; chi phí đầu tư thấp hơn so với luyện thép theo phương pháp truyền thống: diện tích mặt bằng xây dựng nhà máy sẽ giảm hơn nhiều so với các khu liên hợp luyện kim truyền thống; dùng than gầy sẽ rẻ hơn than coke vừa chủ động và tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước, giá thành thấp hơn nhiều so với giá than coke nhập ngoại; đây là công nghệ cho phép tạo ra nguyên liệu để luyện thép hơp kim chất lượng cao. Bởi vì sử dụng công nghệ này cho phép điều chỉnh dễ dàng hàm lượng carbon trong sản phẩm thép.
Hiện nay, việc sáng chế đã được công nhận, vậy việc ứng dụng sáng chế này của anh ra sao và triển vọng ứng dụng?
- Hiện tại anh em chúng tôi đã góp vốn, huy động vốn để thành lập Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kim Việt Nam, tên viết tắt là MIREX. Công ty có vốn điều lệ là 30 tỷ đồng với sự tham gia của các cổ đông sáng lập: Công ty Tài chính Cổ phần dầu khí ( PVFC); Công ty Cổ phần cung ứng đầu tư và xây lắp SIC; Công ty trách nhiệm hữu hạn Tín Việt; Công ty cổ phần Sông Đà 7; Công ty TNHH Trường Sơn và một số pháp nhân khác...
Riêng tôi với tư cách là Giám đốc Công nghệ của dự án đấu tư này, Bằng phát minh-sáng chế của tôi được coi là tài sản góp cho Công ty MIREX.
Hiện MIREX đã đầu tư một nhà máy sản xuất sắt xốp và phôi thép tại Cao Bằng; nhà máy sẽ sử dụng công nghệ hoàn nguyên trực tiếp phi than coke. Vốn đầu tư cho tài sản cố định là 254,16 tỷ đồng; để duy trì hoạt động, chúng tôi phải có một nguồn vốn lưu động là 134,46 tỷ đồng...
Năm 1941 Bác Hồ từ nước ngoài về nước, điểm đặt chân đầu tiên là Păc Pó-Cao Bằng; anh em chúng tôi cũng động viên nhau: theo chân Bác chúng ta cũng đặt bước chân đầu tiên cho ngành luyện thép Việt Nam theo công nghệ mới tại mảnh đất Cao Bằng; hy vọng sẽ được Bác Hồ phù hộ.
Vậy Dự án của các anh sẽ cho ra đời mẻ thép đầu tiên vào thời gian nào?
- Giai đoạn 1 dự kiến sẽ cho ra lò vào dịp sinh nhật Bác ngày 19-5-2009, với sản lượng 100.000 tấn sắt xốp, gang/ năm; Giai đoạn 2 sẽ dự kiến đấu tư thêm 150 tỷ để cho ra đời sản phẩm mới là thép thỏi hợp kim, sản lượng 100.000 tấn/ năm; Giai đoạn 3 dự kiến đầu tư 100 tỷ để sản xuất sản phẩm ống thép hợp kim không hàn phục vụ cho công nghiệp dầu khí, quốc phòng, hóa chất, thiết bị áp lực, nồi hơi sẽ cho ra sản lượng 100.000 tấn...
Với một lượng đầu tư vốn lớn như vậy, Công ty của các anh sẽ thu hút được bao nhiêu lao động và dự kiến sẽ trụ lại mảnh đất Cao Bằng được bao nhiêu năm?
- Nhà máy sẽ thu hút khoảng 500 lao động, theo tính toán của chúng tôi, nhà máy sẽ khai thác nguyên liệu ở Cao Bằng khoảng 20 đến 30 năm, mỏ sắt Cao Bằng có khả năng khai thác và luyện ra được khoảng 60-70 triệu tấn thép.
Rồi sau đấy?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư tại Lào Cai, Yên Bài, Bắc Cạn, Thái Nguyên và các địa phương có mỏ sắt. Chúng tôi sẽ còn vươn sang Lào để khai thác nguồn nguyên liệu quặng sắt tại quốc gia này. Đối với Lào, chúng tôi đã nghiên cứu, thăm dò, đã lập dự án đầu tư và đã được Chính phủ Lào chấp nhận về chủ trương. Chúng tôi sẽ xây dựng nhà máy luyện thép và khai thác than tại Xiêng Khoảng với công suất 500.000 tấn thép năm; Nhà máy luyện thép tại Hủa Phăn cũng có công suất 500.000 tấn thép/ năm.
Hoàn thành đi vào hoạt động tại Cao Bằng xong, chúng tôi sẽ bắt tay sang thị trường Lào. Anh tính đất nước Lào là nơi bao nhiêu quân tình nguyện Việt Nam đã đổ máu, hy sinh để giành lại độc lập, chủ quyền cho đất nước bạn, giờ đây nhìn thấy cảnh người Thái Lan hàng ngày vào chở quặng sắt đi, người Auxtralia vào khai thác vàng, là người có tay nghề, hiểu nghề, làm sao “máu nghề nghiệp”, “máu dân tộc” trong người mình không sôi lên được?
Chúng tôi đang nóng lòng đưa Nhà máy luyện thép Cao Bằng sớm đi vào hoạt động, khi đã thành công rồi nhất quyết chúng sẽ nhảy sang Lào “ mần” tiếp...Chúng tôi tin sẽ qua mặt được các đối thủ khác vì trong tay chúng tôi có công nghệ.
Một chút riêng tư: Về mặt tinh cảm, tinh thần, anh có ý định hàm ơn ai về cái phát minh có giá trị này?
Tôi và anh đều là dân xứ Nghệ, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo, tôi và anh lại cùng được đào tạo tại Rumani; chúng ta phải cảm ơn quê hương đã tôi luyện cho chúng ta những tố chất thuộc về thiên tư, cảm ơn nhà trường Rumani đã đào tạo, rèn cho chúng ta nếp làm việc: biết tự tìm cho mình con đường đi riêng trong nghiên cứu khoa học...
Tất cả những cái đó chỉ là tiền đề cần nhưng chưa đủ. Anh là người nghiên cứu kỹ về Tam Quốc diễn nghĩa, một chân tài muốn làm nên sự nghiệp phải có thế, gặp thời và phải có người biết đến, phải có người trọng dụng. Số phận mỗi con người chúng ta khác gì những hòn đá, hòn sỏi. Nếu không có ai nhìn ra tác động vào nó bằng tình cảm và tri thức khoa học để nó được lộ ra và hoàn nguyên các giá trị của nó thì thép hay vàng cũng chỉ như đá, cát mà thôi. Tôi là người đã làm được cái việc biến những thỏi quặng sắt ở Cao Bằng thành những phôi thép có giá trị bằng các điều kiện thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam; tôi cũng lại phải cảm ơn người đã phát hiện, đã giúp tôi thực hiện hoài bão của mình, đó là anh Nguyễn Xuân Liêu-Chủ tịch Hội đồng quản trị của MIREX. Không có anh số phận của tôi khác gì những thỏi quặng sẳt nằm ngan ngát trên đồi núi Cao Bằng.
Việc nghiên cứu khoa học nào đòi hỏi cũng phải có tiền, nếu không có người biết đến thì công việc của một người nghiên cứu khoa học ở xứ ta khác chi những gã hành khất. Mặc dù ở ta Nhà nước cũng đã bỏ ra không ít tiền cho công tác nghiên cứu khoa học. Tôi xin trân trong cảm ơn các nhà tài trợ đã giúp tôi hoàn thành được công việc nghiên cứu này...
Câu hỏi cuối cùng : Để dự án của anh được sớm thành công các anh có đề đạt gì với các cơ quan chức năng của nhà nước?
Đây là một công trình nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích cho đất nước nhưng lại mới đang ở giai đoạn đầu tư-sản xuất ban đầu, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Để có được phát minh này, chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn đầu tư nghiên cứu chủ yếu từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp và bạn bè mà chưa nhận được sự hỗ trợ đầu tư nào từ phía nhà nước, mặc dù nhà nước có quỹ đầu tư cho nghiên cứu khoa học, nhiều công trình đã được phát minh sáng chế nhưng số được áp dụng không nhiều. Chúng tôi mong rằng Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ các cơ chế chính sách để dự án gặp thuận lợi khi bắt tay vào sản xuất.
Là nhà máy sản xuất thép đòi hỏi một lượng vốn lớn, chúng tôi mong Chính phủ có sự hỗ trợ để MIREX có điều kiện thuận lợi trong khi tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng.
Xin cảm ơn anh và chúng ta cùng chờ đợi sản phẩm thép mang thương hiệu MIREX sẽ sớm có mặt trên thị trường Việt Nam.