*Thưa ông, sau dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, dự án Nhà máy luyện cán thép là dự án có qui mô rất lớn, ông có thể cho biết rõ hơn về dự án này?
-Dự án Nhà máy thép lò cao Dung Quất của Tập đoàn Tycool có công suất khoảng 5 triệu tấn phôi thép/năm, vốn đầu tư đăng ký ban đầu là trên 1 tỷ USD chia làm 2 giai đoạn trong vòng 10 năm, mỗi giai đoạn khoảng 556 triệu USD. Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 450 ha, với chiều dài mép nước 400m để xây dựng cảng chuyên dùng gắn với nhà máy.
*VN hiện đang phải nhập khẩu nguồn phôi thép khá lớn nên phụ thuộc rất nhiều vào sự biến động của thị trường thế giới. Việc ra đời một dự án luyện phôi thép mới là một tín hiệu mừng cho thị trường thép VN?
-Trong qui hoạch của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp thép VN đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, sản xuất phôi thép là một hướng đặc biệt ưu tiên. Đây cũng là một trong số ít lĩnh vực được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển. Thế nhưng, cho đến nay, ngoài Nhà máy gang thép Thái Nguyên đang được mở rộng và một vài nhà máy tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu cùng khu vực phía Bắc (sản xuất phôi thép từ phế liệu), hiện vẫn chưa có dự án qui mô lớn nào đầu tư vào lĩnh vực này. Dự án sản xuất phôi thép đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, nguồn quặng sắt và than đá phải thuận tiện và cuối cùng là phải có cảng nước sâu cho loại tàu 7 – 8 vạn tấn trở lên nhập nguyên liệu và xuất thành phẩm. Trong khi các DN VN khó có khả năng thu xếp tài chính cho dự án luyện phôi thép, Công ty TNHH Tycoons Worldwide Steel đã quyết định đầu tư, hứa hẹn một bước đột phá cho thị trường thép của VN.
*Tại sao Tập đoàn Tycoons Worldwide Group lại chọn Dung Quất là địa điểm đầu tư, khi mà Dung Quất không có nguồn quặng và than đá?
-Theo tôi biết thì nhà đầu tư đã đi nhiều vùng ở phía Bắc nghiên cứu trước khi chọn Dung Quất là địa điểm đầu tư. Đúng là tại Dung Quất không có nguồn quặng và than đá. Mỏ quặng lớn nhất VN với trữ lượng khoảng 550 triệu tấn (bằng 70% trữ lượng quặng sắt toàn quốc) nằm tại Thạch Khê (Hà Tĩnh). Mỏ này được ngghiên cứu từ rất lâu nhưng tiến triển chậm vì khó khăn lớn nhất khi khai thác mỏ này là nằm ở độ sâu 400-700m so với mặt nước biển, hàm lượng kẽm lại quá cao so với mức trung bình thế giới. Còn về nguồn than đá, than mỡ của VN hầu như không đáng kể. Điều đó có nghĩa là VN không có nguyên liệu để sản xuất than cốc, đây là nguồn nguyên liệu chủ yếu để luyện thép.
Như vậy, theo tôi, nhà đầu tư đã chọn Dung Quất vì đây có một số lợi thế nổi trội. Thứ nhất là Dung Quất đã có một hệ thống hạ tầng khá tốt, có thể đáp ứng cho việc triển khai dự án. Nếu đầu tư vào một địa điểm khác, họ phải bỏ ra ngay từ đầu khoảng 200 triệu USD cho hệ thống hạ tầng, chưa kể phải mất vài năm để xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng… Thứ hai, Dung Quất có vịnh nước sâu với tuyến đê chắn sóng phía Bắc và kè chắn cát phía Tây, có thể xây dựng cảng chuyên dùng cho loại tàu từ 7 – 8 vạn tấn trở lên, tức là có thể đạt đến độ sâu từ 15- 18m. Thứ ba, nguồn cung cấp nước của Dung Quất rất tốt (lên đến trên 300.000m3/ngày) rất cần cho các dự án thép. Thứ tư, Dung Quất có địa tầng tốt, không nằm trong vùng chịu đe dọa của động đất; đây là vấn đề Tập đoàn Tycoon đặc biệt quan tâm. Thứ năm, khi VN chưa giải được bài toán nguyên liệu trong nước (phải nhập quặng và than cốc), thì việc dự án đặc ở Dung Quất rất thuận tiện cho việc tiêu thụ thành phẩm (phôi thép) cho cả khu vực kinh tế phía Bắc và phía Nam.
*Có ý kiến cho rằng suất đầu tư 1 tỷ USD cho công suất 5 triệu tấn/năm là thấp, còn ông đánh giá thế nào?
-Lúc đầu, tôi cũng ngạc nhiên về suất đầu tư này. Ngay văn bản của Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ cũng phản ánh sự phân vân đó. Theo tôi, khả năng huy động 30% của 500 triệu USD giai đoạn I của Dự án là hoàn toàn khả thi nếu chủ đầu tư thực sự quyết tâm. Chúng tôi cũng muốn trình bày thêm về suất đầu tư. Chẳng hạn, với thiết bị chế biến gỗ, cùng một loại thiết bị, thiết bị của Italia đắt gấp 3 lần của Đài Loan, còn của Đài Loan đắt gấp 3 lần thiết bị sản xuất tại TP. HCM. Hoặc thiết bị của Siemens sản xuất tại Trung Quốc chỉ chào bán bằng nửa giá so với sản xuất tại Đức. Vì thế, cũng không nên quá ngạc nhiên khi xuất hiện một Dự án luyện cán thếp liên quan đến thiết bị của Trung Quốc có suất đầu tư thấp.
*Liệu ông có tin vào sự thành công của dự án cán thép này? Phải chăng Dung Quất đã và sẽ là nơi hội tụ của nhiều dự án có vốn đầu tư lớn?
-Dự án luyện cán thép là một dự án quá lớn. Nếu không kể Dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất do VN tự đầu tư thì đây là một trong số ít các dự án có vốn ĐTNN lớn nhất VN thuộc lĩnh vực sản xuất. Do đó, sự thành công của nó không phải dễ dàng nhưng không hẳn không có niềm tin. Hiện nay, một số Tập đoàn khác cũng quan tâm đến các Dự án sản xuất nhựa PP, Carbon Black, LAB, dự án điện chạy than, xi măng… Tập đoàn xây dựng và công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc) vừa kí kết với chúng tôi Thỏa thuận thuê đất và họ sẽ trình hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong vài ngày tới. Dự án này có số vốn lên tới 300 triệu USD, chuyên sản xuất các thiết bị nặng. Tôi xin khẳng định, Dung Quất là địa điểm đầu tư rất thuận lợi cho các dự án công nghiệp nặng và chắc chắn nơi đây sẽ đón nhiều dự án qui mô lớn.
* Xin trân trọng cảm ơn ông.