Công nghệ chế tạo ra "thép xanh" được xem là một cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới việc cắt giảm lượng khí thải carbon từ ngành công nghiệp này.
Mới đây, Thụy Điển đã giao lô hàng "thép xanh" đầu tiên trên thế giới, được sản xuất theo công nghệ mới mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây được coi là cuộc cách mạng cho ngành công nghiệp vốn thải ra khoảng từ 8 - 9% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu.
Loại "thép xanh" này được tạo ra bởi một liên doanh giữa nhà sản xuất thép Thụy Điển SSAB, công ty năng lượng Vattenfall và công ty khai thác quặng sắt LKAB. Mặc dù có tên là "thép xanh", nhưng kỳ thực loại thép này không có màu xanh, mà vẫn có màu ánh kim ở điều kiện nhiệt độ bình thường giống các loại thép truyền thống.
Ngành công nghiệp sản xuất thép chịu trách nhiệm cho một lượng khí thải lớn, gây hiệu ứng nhà kính. Ảnh: Bloomberg
Theo đó, từ "xanh" ở đây được hiểu là thân thiện với môi trường, nhờ được sản xuất dựa trên công nghệ được đặt tên là HYBRIT (Hydrogen Breakthrough Ironmaking Technology) - Công nghệ sản xuất sắt đột phá bằng hydro. Công nghệ này cho phép thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng hydro xanh, giúp giảm ít nhất 90% lượng khí thải carbon khi so với sản xuất thép truyền thống. Trong đó, hydro có thể được sản xuất bằng nhiều cách, như điện phân - sử dụng dòng điện để tách nước thành oxy và hydro. Nếu dòng điện này xuất phát từ một nguồn tái tạo như gió hay năng lượng mặt trời thì hydro sản xuất ra sẽ được gọi là hydro "xanh" hoặc hydro "tái tạo".
Được biết, ngành sắt thép tạo ra khoảng 2,6 tỷ tấn khí thải CO2 trực tiếp mỗi năm, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Năm 2019, lượng CO2 còn nhiều hơn lượng khí thải trực tiếp từ các ngành như xi măng và hóa chất. IEA cũng cho biết, thép là ngành công nghiệp tiêu thụ than lớn nhất khi than cung cấp khoảng 75% nhu cầu năng lượng. "Lô thép không nhiên liệu hóa thạch đầu tiên trên thế giới không chỉ là bước đột phá với SSAB mà còn là bằng chứng cho thấy tính khả thi của việc chuyển đổi và giảm đáng kể lượng khí thải carbon của ngành thép", Martin Lindqvist, CEO kiêm chủ tịch SSAB cho biết. Theo đó, lô hàng đầu tiên trên thế giới này đã được giao cho nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Volvo AB, và việc chính thức sản xuất toàn bộ loại thép này sẽ được bắt đầu vào năm 2026. Mặc dù đi đầu, song HYBRIT không phải là dự án duy nhất trên thế giới có cùng mục tiêu tạo ra "thép xanh". Tại Trung Quốc, Baowu - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới đã cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 và đang bắt đầu phát triển công nghệ hydro như một cách để cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất. Tại Ấn Độ, công ty thép Tata cũng đã phát triển mô hình tương tự, mà họ gọi là quy trình HIsarna. Mặc dù quy trình này vẫn sử dụng than, nhưng hãng tuyên bố rằng họ có thể giảm lượng khí thải xuống chỉ còn 20%.