Ba năm về trước có anh bạn thân là Phó vụ trưởng Bộ công thương nói với tôi, hiện có một người rất giỏi, đang có dự án khai khoáng và luyện thép bằng công nghệ sắt xốp. Tôi không phản đối và cũng không tin khi biết người đó cùng trang lứa và đã từng là sinh viên toán học ở Minsk về. Cái gì thì không biết nhưng hoàn nguyên - sắt xốp thì tôi đã biết khái niệm này từ 30 năm trước. Ngày đó, tiền nhà nước, người nhà nước học chuyên ngành luyện kim từ khắp các nước và đủ loại bằng cấp, nhưng có đi đến kết quả gì đâu? Nay nghe thấy, một người học toán cùng với người bạn đã từng sang Rumania học vật lý, bây giờ về “âm mưu” làm khai khoáng và luyện thép theo công nghệ khó. Là người học chế tạo máy nên tôi rất thận trọng, không bao giờ làm gì “hô khẩu hiệu” và “ quyết tâm” nên trong lòng hoài nghi về dự án đó.
Cuộc đời đi học và làm nghề báo, tôi đã từng viết về hai giám đốc và một hiệu trưởng, thì ca ba đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kì đổi mới. Tôi viết về họ - những người của nhà nước, đã được các cấp khen tặng các loại, nay lần đầu tiên lại viết về một giám đốc tư nhân, kể cũng liều lĩnh, nhất là dự án chưa đi vào cuộc sống, đang trong giai đoạn chuẩn bị . Trên thế giới , thiếu gì những dự án đầu tư hết sức lớn mà đâu phải đã thành công, như tầu vũ trụ của Mỹ, Nga tốn hàng tỷ đôla mà vẫn bị nổ, cướp đi mạng sống cả gần chục phi công vũ trụ.
Những bất ngờ khó tin
Trung tuần tháng 9 vừa qua, trên đường từ miền Trung ra Hà Nội, tôi nhận được lời mời lên thăm Tổ hợp Khai khoáng và Luyện kim Cao Bằng ( dự án mà tôi hoài nghi) đang trong giai đoạn hoàn thành .
Lần đầu tiên tôi lên Cao Bằng, gặp Nguyễn Ngọc Linh ( cùng học ở một thành phố Đông Âu) và Nguyễn Xuân Liêu – con người huyền thoại mà bạn bè yêu mến đặt cho anh. Trong đoàn đi thực tế có quan chức của Bộ Công Thương và các chuyên gia về công nghệ sắt xốp. Tại đây, tôi thật sự khâm phục những con người một thời cùng đi nước ngoài học và không thể không ngạc nhiên, khi họ lại làm trái ngành chuyên môn đã học. Một học toán và một học vật lý, đứng ra dựng lò luyện thép công nghệ mới ( nước ta chưa có).
Ngạc nhiên hơn nữa, chiều 02/10/2009, ông Trương Tấn Sang - Uỷ viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư; bà Nguyễn Thị Nương - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng đã đến thăm và tìm hiểu tiến độ xây dựng nhà máy theo công nghệ hoàn nguyên mà phát minh sáng chế là của kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh và do Tổng Giám đốc Nguyễn Xuân Liêu thực hiện.Ông Trương Tấn Sang bày tỏ sự phấn khởi trước công trình sáng tạo mới của tập thể lãnh đạo, kỹ sư, công nhân viên nhà máy luyện thép Mirex và đã hứa khi nhà máy cho ra lò mẻ thép đầu tiên, ông và các đồng chí lãnh đạo Đảng và Chính Phủ sẽ lên thăm và chia vui, đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất để tập thể công nhân viên Công ty Mirex có đủ điều kiện để lao động, sáng tạo, làm giàu cho đất nước…Tại buổi làm việc, ông Trương Tấn Sang đã hỏi Mirex có khả năng sản xuất thép có chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp quốc phòng bằng công nghệ mới này không? Giám đốc Nguyễn Xuân Liêu và kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh khẳng định sẽ làm hết khả năng của mình để đáp ứng yêu cầu của đất nước…Với tài năng, sự cần cù, lam làm, lại được sự quan tâm của lãnh đạo chắc chắn Mirex không phụ lòng tin của Đảng và Chính phủ.
Cuộc sống thúc đẩy “nhà toán học” thành doanh nhân
Xuân Liêu xuất thân từ một gia đình có truyền thống học, Các cụ của cả hai bên nội ngoại đều đỗ đạt khoa bảng ( có cả tiến sĩ ). Vốn sinh ra không biết sợ ( hay liều ) nên mới 7 tuổi đã bơi qua sông Lam ( Nam Đàn, Nghệ An ). Từ nhỏ được di truyền của cả hai dòng họ, Liêu học rất giỏi. Anh từng đạt giải nhất toán của tỉnh và nhiều giải thưởng về văn, lý… và đã được tặng huy hiệu Bác Hồ ( ngày đó, nếu học sinh nào tổng kết năm học toàn điểm 5 - điểm cao nhất thì mới nhận được huy hiệu của Bác ); Được chọn sang Liên Xô (cũ) học toán tại Minsk; Tốt nghiệp “bằng đỏ” về nước năm 1974 và được trường Đại học quân sự chọn làm giáo viên. Ngày đó, Xuân Liêu đã có quyết định của trường cho phép sang Nga làm luận án tiến sĩ. Xuân Liêu nghĩ rằng, về Trường một hay hai năm là đi nghiên cứu sinh. Nhưng 8 năm nay dạy học ở Đại học Quân sự và vì hợp lý hoá gia đình, nên Liêu chuyển về tổng cục đo lường – Tiêu chuẩn và Chất lượng ( Hà Nội ). Ở đây, Xuân Liêu là Trưởng phòng Tổ Chức, Phó Bí thư chi bộ, Chủ tịch công đoàn,,,Với trách nhiệm phải lo “ phần mềm” cho anh em nên Liêu đã mày mò, sửa chữa phục hồi chế tạo nhiều máy móc khác nhau để bán lấy tiền thêm vào nồi cơm của anh em thời “ bao cấp “. Làm máy gì thì Liêu lại mày mò đọc sách, học hỏi và chế tạo bằng được để có sản phẩm đem bán, như máy phát điện, máy chế biến nông sản….Xuân Liêu tâm sự, ngày đó, vì thương anh em đói quá mà mày mò nghiên cứu chế tạo các máy móc đã cũ thành các máy móc hữu dụng. Có lẽ từ đó đã làm cho Liêu thích nghiên cứu chế tạo.
Năm 1992, khi nhà nước có chính sách các thành phần kinh tế được lập công ty, Liêu đã đứng ra thành lập công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Hà Nội, đồng thời làm Giám đốc ( bây giờ là Công ty CP SIC). Có thể nói, SIC hiện chiếm 80% thị phần làm cột truyền hình cả nước và bây giờ do con trai ( học ở Pháp về ) làm Giám đốc. Ai cũng cho là bọn mình điên, liều lĩnh…nhưng không làm làm sao biết được điên hay không ? – Liêu tâm sự. Bạn bè tin cậy mình thì mình phải làm gì để họ không mất niềm tin. Sống vì mình nhưng cũng vì mọi người. Mình có nguyên tắc sống và làm việc :” Làm mọi việc tự Tâm. Bại thành trong chữ Tín “. Rồi mọi người ủng hộ, chính quyền địa phương hết lòng tạo điều kiện và cứ thế, mới có 2 năm trời khởi công mà nay đã sắp cho ra mẻ thép đầu tiên. Thành công của Xuân Liêu là phát huy nền tảng của học vấn, tu dưỡng phẩm chất và các con anh cũng theo nền nếp đó.
Tôi thầm mong cho Dự án này thành công để khỏi phụ lòng các nhà lãnh đạo cao cấp, các nhà quản lý, các chuyên gia, bạn bè và nhất là địa phương Cao Bằng.