Rất nhiều người làm công tác khoa học chỉ mong một lần trong đời có được một “thành quả” nào đó được công nhận, còn nếu có “ nằm mơ” thì cũng chỉ dám ước một lần có được “ Bằng phát minh sáng chế”. Nhưng Nguyễn Ngọc Linh, thật khó tin lại là con người hình như sinh ra để “phát minh”. Đặc biệt hơn lại là một “ Nhà phát minh sáng chế” về những lĩnh vực không phải chuyên ngành học của mình.
Con người kỳ lạ…..
Tháng 12/2008, sau 3 năm thẩm tra công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp 2 bằng độc quyền phát minh sáng chế số 7386 $ 7887: “ Phương pháp sản xuất sắt xốp” và “Phương pháp sản xuất thép từ sắt xốp” cho Nguyễn Ngọc Linh (đang chờ thẩm định 5 bằng nữa). Vậy Nguyễn Ngọc Linh – tác giả các phát minh, là ai ?
Tháng 8/1968, chúng tôi cùng Nguyễn Ngọc Linh rời quê hương sang Romania để học tập. Cùng về thành phố Cluj-Napoca, anh theo học Khoa Vật lý chất rắn- Trường đại học tổng hợp, còn tôi Khoa cơ khí Trường đại học Bách Khoa.
Mấy chục năm qua, Linh luôn là con người cởi mở, làm nhiều mà không nói, nhưng ngoài cái “gàn” của người làm khoa học thì anh là người cởi mở, thật thà, nhìn là thấy sự vất vả hằn lên qua từng nếp nhăn. Nhiều người đã nói với tôi: bao nhiêu kỹ sư, tiến sĩ, giáo sư được đào tạo cơ bản, chuyên ngành chính quy (kể cả ở nước ngoài) lại không có những bằng độc quyền phát minh sáng chế như Linh. Anh đã làm nên một “cơ đồ”, góp phần làm nên lịch sử của ngành luyện kim Việt Nam. Đó là “ Phương pháp sản xuất thép từ sắt xốp” ở quy mô công nghiệp (chưa cơ ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới).
Những phát minh thầm lặng!
Để có thành quả của ngày hôm nay, Nguyễn Ngọc Linh đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời cũng như “đánh đổi” bằng những vất vả, gian truant, thậm chí cả nước mắt vì có lúc “hai bàn tay trắng”.
Về nước năm 1973, anh nhận công tác tại Phân viện Luyện kim đen (Bộ Cơ khí và Luyện kim – thời đó), ở Thái Nguyên, nơi mà nhiều người nghe thấy đã muốn “ chuồn” và nếu buộc phải đến rồi cũng tìm đường “xuôi” về Hà Nội – Thủ đô yêu dấu!
Tôi cứ nghĩ, phải chăng do sinh ra từ quê hương của Bác Hồ và từ một gia đình bình thường đã “tôi luyện” Linh thành con “người thép” và “niềm tin thép”. Không một ai có thể tin được, trong một thời gian ngắn Linh đã có nhiều đề tài mang tầm cỡ “quốc gia”, nhiều lần chủ trì đề tài cấp Nhà nước. Khi về nhận công tác, Linh may mắn được giao nghiên cứu, chế tạo nam châm Ferit Bari (nam châm Ô xít) và Linh đã thành công. Lãnh đạo Viện đã tin tưởng giao cho Linh chủ nhiệm Đề tài cấp Nhà nước về Nam châm điện Alnico 24 (nam châm hợp kim Alnico 24). Đây là loại hợp kim cực kỳ khó chế tạo, nhất là trong điều kiện Việt Nam (vào thời kỳ 1975-1978). Alnico 24 đòi hỏi thành phần hợp kim rất phức tạp gồm có 24% CO ban, 15% Nitơ, 8% Nhôm (Al); 3% Đồng (Cu); 0,7 -1,2 Ti tan (Ti); còn lại là sắt, đặc biệt 0,03 Các bon…. Để đi đến thành công, Linh đã nghĩ ra công nghệ hoàn nguyên bột sắt trong môi trường Hydro để thiêu kết tạo ra hợp kim có nhiều nguyên tố rất khác biệt về cơ, lý tính.
Từ đề tài làm nam châm Alnico mà Linh đã sáng tạo ra quy trình công nghệ nhiệt luyện đặc biệt để luyện hợp kim. Cũng từ đây, Linh đã hiểu về các quy trình hoàn nguyên và hợp kim hóa.
TSKH Hàn Đức Kim, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Máy đã nhận ra người của công việc nên đã “xin” Linh về với mình và giao ngay Đề tài cấp Nhà nước “Chế tạo chi tiết cơ khí từ bột (Mã số 24b.03.01)”. Đề tài thành công và đã chế tạo hàng vạn cò mổ cho động cơ D12 của Nhà máy Cơ khí Trần Hương, thay thế nhập ngoại. Ngoài ra còn chế tạo nhiều loại bạc khác nhau phục vụ cho các máy dệt.
Đi từ thành công này đến thành công khác, nên Tổ chức UNIDO của Liên hiệp quốc đã chọn Linh đưa đi đào tạo ở Ucriana (thuộc Liên Xô cũ) về chương trình luyện kim. Đây là thời gian quý giá và Linh đã tận dụng cơ hội để đi gần như hết các cơ sở luyện kim nổi tiếng của Liên Xô cũ.
Về nước, Linh lại được tín nhiệm giao Chủ nhiệm đề tài khoa học 4.31.62 hợp tác với các nước thuộc khôi SEV (cũ) về việc tạo ra những vật liệu 2 lớp (bimetal). Với đề tài này, Linh lại thành công khi sáng tạo ra công nghệ mới ở nước ta. Linh đã dùng bột kim loại cho khuyếch tán vào tấm thép bằng phươp pháp thiêu kết. Nhờ những thành công xuất sắc này, nên Viện Hàn lâm khoa học Ucraina đã trực tiếp mời Linh sang Viện các vật liệu IPM để cùng hợp tác nghiên cứu. Cũng từ đây, trong Linh đã hình thành và đề xướng ra công nghệ thiêu kết bột kim loại để tạo ra vật liệu chống ma sát.
Cũng thời gian này Linh đã đề xuất, nghiên cứu, chế tạo thành công hợp kim đồng trên thép (bằng phương pháp đặc biệt) để làm các loại bạc, quốc phòng dùng làm vỏ đạn.
Không học chuyên ngành chế tạo máy, nhưng Linh còn nghiên cứu, chế tạo thành công máy lốc tấm thép có dộ dầy đến 70 mm và có thể lốc bánh răng modul 14-16 và đường kính hơn 2.000 mm với độ chính xác cao.
Đã có thời kỳ do tin người mà anh tiêu tan cả “sự nghiệp”. Nhưng người bạn đời của anh đã vững bước bên anh , cùng anh vượt qua sóng gió để anh có thể đứng dậy, bước tiếp trên con đường nghiên cứu đầu chông gai, nuôi dưỡng niềm đam mê của mình. Nhìn gương bố, các con anh đều học rất giỏi. Thêm vào đó, bạn bè anh đã dang tay giúp đỡ rất đúng lúc, khi anh hai bàn tay trắng, mất cả cơ nghiệp, một người bạn mới quen đã không ngần ngại chi hắn mấy trăm triệu đồng để anh tiếp tục nghiên cứu và cả nhiều người khác cũng giúp anh. Anh nói, không bao giờ quên được những tấm lòng và niềm tin thép của những người bạn tốt.
Biến kết quả nghiên cứu thành Dự án ngàn tỷ
Công trình của Linh và bạn bè được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước không những biết đến mà còn đến tận nơi để thăm hỏi và động viên. Gần nhất là chiều ngày 02/10/2009, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến thăm và tìm hiểu tiến độ xây dựng nhà máy luyện thép công nghệ hoàn nguyên theo phát minh sáng chế của kỹ sư Nguyễn Ngọc Linh.
Nếu không có gì trục trặc lớn, chỉ một thời gian ngắn nữa, Nhà máy luyện thép theo công nghệ hoàn nguyên do Nguyễn Ngọc Linh góp vốn bằng phát minh, sáng chế và làm Giám đốc công nghệ sẽ cho ra lò mẻ thép đầu tiên.
Nguồn quặng sắt Cao Bằng thuộc vào loại có hàm lượng thép cao của thế giới cộng với những bằng độc quyền phát minh sáng chế và niềm tin thép đã hình thành nên Tổ hợp Mỏ Luyện kim Cao Bằng.
Thật không thể không khâm phục Linh và những người bạn đầy ý chí, niềm tin, dũng cảm và cả những lãng mạn nữa như Nguyễn Xuân Liêu ( Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mirex – một huyền thoại); Nguyễn Xuân Dịnh ( Chuyên gia dầu khí); Nguyễn Văn Sửu ( Bạn cùng học với Linh)….. đã cùng nhau góp vốn và đặc biệt là góp “Ý chí và Niềm tin thép” để đưa một dự án hơn ngàn tỷ đồng thành hiện thực. Dự án này đã được đưa vào danh mục Nhà nước ưu tiên cho vay vốn ưu đãi và tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm, giúp đỡ và kỳ vọng.
Có lần Linh nói: Tập thể chúng tôi coi anh Nguyễn Xuân Liêu như người anh cả của nhóm. Anh đã dám đặt niềm tin thép vào an hem chúng tôi, những trí hức đã có lúc được xếp vào diện “cù bơ cù bất”; anh Liêu tập hợp, đầu tư, động viên, giao việc để chúng tôi cùng anh tìm cách giải cho ra bài toán nan giải mà chưa có đáp án tiền lệ không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Tôi có hỏi Linh để dự án sớm thành công, các anh có đề đạt gì với các cơ quan chức năng của nhà nước ? Anh cho biết, đây là một công trình nghiên cứu khoa học mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, nhưng lạo mới đang ở giai đoạn đầu tư sản xuất ban đầu, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Để có được phát minh này, chúng tôi đã sử dụng nguồn vốn đầu tư nghiên cứu chủ yếu từ các nhà tài trợ, các doanh nghiệp và bạn bè mà chưa nhận được sự hỗ trợ, các doanh nghiệp và bạn bè mà chưa nhận được sự sự hỗ trợ đầu tư nào từ phía nhà nước, mặc dù nhà nước có Quỹ đầu tư nghiên cứu khoa học, nhiều công trình đã vượt phát minh sáng chế, nhưng số được áp dụng không nhiều. Chúng tôi mong rằng Bộ công thương, Bộ khoa học Công nghệ, UBND tỉnh Cao Bằng…. tiếp tục hỗ trợ giúp đõ để Mirex có điều kiện thuận lợi trong khi tiếp cận các nguồn vốn ngân hàng.
Có người đã viết trên mạng của Hội Nhà văn: Mong rằng có nhiều người như Nguyễn Ngọc Linh để có nhiều phát minh, sáng chế, tạo ra những công trình làm giàu cho đất nước.