Thứ nhất, sản lượng thép của ta còn quá thấp. Năm 2007, cả nước tiêu thụ 10 triệu 400 nghìn tấn thép, ta chỉ làm ra 5 triệu 112 nghìn tấn, đáp ứng 50% nhu cầu. Cả nước cần 4 triệu tấn phôi thép, ta chỉ làm ra 1 triệu 800 nghìn tấn, đáp ứng 40% nhu cầu.
Thứ hai, ta sản xuất thép theo công nghệ cũ (lò cao-than cốc) và đã lạc hậu (so với chính nó), nên hoàn toàn không thể có giá cạnh tranh cùng thiên hạ.
Bây giờ, ở Trung Quốc, những lò cao luyện thép dùng than cốc có dung tích dưới 500m3 đã bị cấm dùng, vì nhất định sẽ lỗ.
Thế mà ở ta, cho đến giờ, trong mọi dự án thép của ta, vẫn chỉ định sử dụng lò cao dung tích 230-320m3! Tức là rất không bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế-kỹ thuật thời nay. Nếu cứ làm, ắt lỗ.
Lỗ, còn vì toàn bộ than cốc dùng cho các lò cao đều phải nhập khẩu với giá cắt cổ, đồng bóng, “chơi khăm”, bắt chẹt, mà ta thì không đủ than mỡ để luyện cốc! Vả lại, khi lò cao ta cho gang thì gang vừa đắt vừa ít. Để có được 1 triệu tấn thép, ta cần 1,15 đến 1,2 triệu tấn gang. Vậy mà ta chỉ có thể làm được 300.000 tấn gang/năm.
Toàn cảnh Nhà máy MIREX. Ảnh: TL.
Thế là, để khắc phục nỗi thiếu thép do thiếu gang, ta phải nhập khẩu phôi thép để cán thép, phải nhập cả “thép phế liệu” về để tái chế. Những thứ đi nhập ấy, giá là do “người”, đâu phải do ta? Chưa nói, nếu nhập “thép phế liệu” tốt thì sẽ lại đắt và lỗ. Nếu nhập “thép phế liệu” xấu, thì không những vẫn lỗ do chế biến tốn kém mà còn biến ta thành "bãi rác" của "người". Vụ mấy con tàu nhập “thép phế liệu” rẻ về Hải Phòng, gây ra cuộc tranh luận mấy tháng giữa "Ông môi trường”, "Ông thép” và "Ông hải quan” mấy năm trước, là một trong những ví dụ sống động, đau lòng!Thứ ba, ngành thép ta có một “điểm yếu chết người” nữa là, mãi đến giờ, ngoài sự “ít” và “đắt” như đã nói, ta chỉ có thể làm thép xây dựng, mà chưa bao giờ làm được thép hợp kim với quy mô hàng hóa! Thế mà, chỉ khi có thép hợp kim hàng hóa, chúng ta mới có thể chủ động trong việc chế máy móc, xây cao ốc, làm khí cụ, chiến cụ, vũ khí, y cụ và những đồ dân sinh cao cấp được. Thế mà, cứ 5 năm, nền kinh tế ta lại cần thêm chừng 5 triệu tấn thép các loại.
Theo dự báo, nhu cầu thép của ta như sau: Năm 2015: 15 triệu tấn; năm 2020: 20 triệu tấn.
Nếu không làm ngay, ta sẽ ngày càng phụ thuộc vào thép của "người", đặc biệt là thép hợp kim.
*
* *
Những năm gần đây, Mỹ, Ca-na-đa, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... đã tìm ra và ứng dụng một công nghệ luyện thép, khác hẳn về nguyên lý với công nghệ lò cao truyền thống. Đó là công nghệ luyện thép "phi cốc" (không dùng than cốc).
Công nghệ luyện thép “phi cốc” thế giới đi theo hai hướng:
- "Hoàn nguyên nấu chảy", tức là dùng lò hoàn nguyên tạo ra gang lỏng để từ đó nấu ra thép, thích hợp với những nước giàu khí đốt thiên nhiên như Nga, Ca-na-đa, Vê-nê-xu-ê-la...
- "Hoàn nguyên trực tiếp"- tức là dùng lò hoàn nguyên với nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ nóng chảy của quặng sắt, để tạo ra sắt xốp, rất thích hợp với những nước có nhiều mỏ quặng sắt vừa và nhỏ, không giàu khí đốt thiên nhiên, nhưng lại nhiều than an-tra-xít, như nước ta.
Sắt xốp, thay cho gang, qua lò cảm ứng, lò hồ quang tinh luyện, tạo ra phôi thép thấp các-bon (tỷ lệ các-bon dưới 1%, tỷ lệ lưu huỳnh và phốt-pho dưới 0,05%).
Chỉ cần thêm vào đó những phụ gia hợp kim theo các tỷ lệ quy định, chúng ta sẽ có các loại phôi thép hợp kim và phôi thép đúc hợp kim cao.
Thế là chỉ cần quặng sắt Việt Nam, than Quảng Ninh và điện, ta đã có thể tự chủ được về thép xây dựng, thép hợp kim hàng hóa vừa tốt vừa có giá cạnh tranh, trong một thời gian ngắn.
*
* *
Có một tập thể-Nguyễn Xuân Liêu và các đồng sự của mình-nhiều năm nay, đau đáu tìm cách hóa giải cái “giấc mơ thép” kia bằng công nghệ “hoàn nguyên trực tiếp”.
Trong khó khăn, họ liên kết nhau, góp vốn, thành lập ra “Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam”, viết tắt tiếng Anh là MIREX.
Họ tìm ra quy trình luyện thép "phi cốc" của riêng mình. Công trình của họ đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền sáng chế số 7386 và 7387. Bằng số 7386, tên đầy đủ là: "Phương pháp sản xuất sắt xốp". Bằng số 7387, tên đầy đủ là: "Phương pháp sản xuất thép". Tất cả đều dùng công nghệ "phi cốc".
MIREX chọn Cao Bằng để triển khai dự án đầu. Tại sao lại là Cao Bằng? Vì ở Cao Bằng, các mỏ sắt tuy phân tán, không lớn, nhưng chất lượng rất tốt, hàm lượng sắt nhiều mỏ từ 60% trở lên, đa số lại là mỏ lộ thiên, dễ khai thác. Đó là nguồn quặng tinh quý giá.
Trong khi có “dự án thép” được tỉnh này cấp giấy phép cả 10 năm mà chưa hề lắp một tấn thiết bị nào, thì MIREX tiến hành rất cụ thể:
- Khởi công ngày 16-8-2007.
- Mẻ sắt xốp đầu ra lò vào ngày 17-5-2010.
- Vốn đăng ký là 1.497 tỷ VND, tương đương với 85 triệu đô-la Mỹ lúc ấy, bao gồm cả vốn cho việc khai thác 384.000 tấn quặng sắt tinh/năm.
- Mỗi năm, từ số quặng tinh 384.000 tấn ấy, qua lò "hoàn nguyên trực tiếp" sẽ được 200.000 tấn sắt xốp. 200.000 tấn sắt xốp ấy, qua lò cảm ứng, lò tinh luyện, sẽ có 160.000 tấn phôi thép thấp các-bon. Nếu trong khâu tinh luyện, thêm phụ gia hợp kim, ta sẽ có hơn 160.000 tấn phôi thép đúc hợp kim, thứ mà xưa nay ta chưa từng sản xuất hàng hóa được.
Nguyễn Xuân Liêu và các đồng sự tính sẵn, riêng ở Cao Bằng, trữ lượng quặng sắt là 60 triệu tấn, tức là 43 triệu tấn quặng tinh, đủ để sản xuất 33 triệu tấn sắt xốp, từ đó sản xuất được 26 triệu tấn phôi thép thấp các-bon, hoặc phôi thép đúc hợp kim, hoặc phôi thép đúc hợp kim cao.
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trữ lượng quặng sắt khoảng 1,2 tỷ tấn.
Về chất lượng, thép thường làm từ sắt xốp của MIREX mà đã có độ chịu lực khá cao (4.400 tấn/cm2). Liêu cũng đã nhập lò cảm ứng, lò tinh luyện để làm thử các mẫu thép hợp kim. Măng-gan có ở Cao Bằng; crôm, ni-ken có ở Thanh Hóa v.v.., Liêu không lo. Mà cái anh thép đến lạ, đang là thép thường, chỉ cần thêm vào một chút nguyên tố hợp kim thì thành ngay ra thép hợp kim và đã cứng, dẻo hoặc chịu mài mòn hơn, chịu ăn mòn hơn nhiều. Nghĩa là độ bền hóa-lý đã tăng vọt! Mẫu hợp kim của MIREX, khi được đưa sang Viện Hàn lâm Khoa học U-crai-na để kiểm nghiệm, đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, có đủ khả năng để chúng ta tự chủ về thép hợp kim, nếu được chế tạo với quy mô công nghiệp.
Về tính kinh tế, thép xây dựng nội địa sản xuất từ sắt xốp nội địa rẻ hơn nhiều so với thép xây dựng nội địa làm theo công nghệ truyền thống; Thép hợp kim nội địa làm từ sắt xốp nội địa càng rẻ hơn nhiều so với thép hợp kim nhập khẩu.
Chính vì tất cả những lý do đã viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau khi biết rõ đã nói: "Đây là hồng phúc nước nhà. Đây là hồng phúc mà Bác Hồ để lại!". Chắc chắn là ông hiểu rõ tầm quan trọng của dự án MIREX, nhất là trong thời buổi không khí quốc tế không đơn giản này.
*
* *
Cũng chính vì vậy, ngày 25-5-2012, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phê duyệt cho MIREX được hưởng cơ chế hỗ trợ như một Dự án cơ khí trọng điểm quốc gia. Đặc biệt là, sau khi nghe báo cáo, ngày 16-11-2012, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo và ngày 22-2-2013, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải lại có công văn thúc đẩy hỗ trợ MIREX. Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ đều đã có công văn hướng dẫn UBND tỉnh Cao Bằng vào cuộc, và tất cả các cơ quan ấy cũng đã họp cùng nhau, cùng MIREX, để quyết định hỗ trợ MIREX cả hai hướng:
- Cấp mỏ, cấp quặng sắt tốt ở Cao Bằng cho MIREX.
- Hỗ trợ vốn vay cho MIREX.
Tất cả đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép vận dụng Quy chế thí điểm về đầu tư theo hình thức đối tác công-tư để xây dựng phương án sản xuất với MIREX.
Theo đó, trong số 100.000 tấn sắt xốp/năm của MIREX, sẽ "đầu tư ưu đãi nâng cấp để có 50.000 tấn sắt xốp chất lượng cao, nhằm cung cấp ổn định cho công nghiệp quốc phòng". Sẽ "ưu đãi đầu tư từ Chương trình cơ khí trọng điểm và Chương trình huy động công nghiệp dân sinh tham gia phát triển công nghiệp quốc phòng, để xây dựng Nhà máy thép hợp kim 130.000 tấn/năm với dây chuyền công nghệ đồng bộ, bảo đảm sản xuất các sản phẩm thép hợp kim phục vụ nhu cầu của nền kinh tế quốc dân và công nghiệp quốc phòng".
Mong sao, từ lý thuyết đến thực tế, từ giấy tờ đến thực địa, MIREX không phải chờ đợi quá lâu như nhiều dự án khác, bởi vì sức Liêu và đồng sự có hạn, 650 tỷ đồng đã được họ đầu tư để có MIREX như hôm nay.
Hiện họ đang cạn vốn! Đã mấy tháng nay, cán bộ công nhân viên MIREX không có lương, không mua nổi bảo hiểm, nhà máy tạm ngừng hoạt động. Mà mỗi ngày đóng cửa, MIREX mất không 400 triệu đồng! Tuy chưa một cán bộ, công nhân viên nào oán trách, mà vẫn đồng lòng kiên nhẫn cùng Ban giám đốc, nhưng dù sao, họ cũng phải sống! Bên cạnh đó, nếu việc cấp mỏ muộn và việc mua quặng sắt từ nhiều nguồn gặp khó về giá, về tiến độ, về thái độ hợp tác, thì "cuộc cách mạng" này sẽ gặp phải thử thách quá lớn, thậm chí có nguy cơ... thất bại một cách tức tưởi!
Đã có định hướng lớn, MIREX cần cả sự ân cần, tận tâm, quyết liệt để sớm hoàn thành vai trò tiên phong của mình trong "cuộc cách mạng" mà cả ngành thép và cả nền kinh tế phải hoàn thành, vì đây chính là cơ hội tự chủ của chúng ta trong sản xuất thép.
Tháng 4 năm 2013