Thủa thiếu thời, chúng tôi thường có một trò nghịch dại là đi bơi lũ ở những con suối lơn trong rừng. Đến suối Củn, một con suối lớn chảy vào sông Bằng, vào mùa lũ nước chảy xiết, cuốn băng tất cả mọi thứ, cả lũ trẻ con lao xuống đó, nước tuy không sâu nhưng trong giây lát đưa người vụt đi như chiếc lá. Chúng tôi dạt vào một bờ đất gần, rồi lại chạy ngược núi lên phía trên vài trăm mét, tiếp tục lần mới. Sau này khi đã phương trưởng, chúng tôi có con cái của mình đi bơi lũ. Những ông bố trẻ đứng giữa dòng suối đầu đá cuội đón đám trẻ con đang dập dờn trên mặt nước. Thật nguy hiểm, nhưng sau những cuộc bơi như vậy, sảng khoái vô cùng. Thời bao cấp, muốn lên Cao Bằng , phải ra phố Dã Tượng từ chập tối, xe khách chạy một đêm, giữa đường nghỉ ở Bắc Kạn, lúc đó còn là thị trấn nghèo nàn, không có hàng quán lợp mái lá ven suối, tờ mờ sáng hôm sau thì đến Cao Bằng. Ba trăm cây số ngày ấy là cả một quãng đường dài gian nan.
Hôm nay tôi trở lại Cao Bằng, nhân một người bạn vong niên, ông Nguyễn Xuân Liêu cùng với nhiều cổ đông, khởi công xây dựng nhà máy sản xuất sắt xốp và phôi thép. Bắc Kạn vài năm nay đã trở thành đô thị, còn Cao Bằng thì náo nhiệt và mở rộng đến chục lần. Những nét văn hóa Tày – Nùng thuần phác xưa có lẽ sắp hoàn toàn biến mất. Tôi lang thang ở chợ phố Thầu, đếm được không quá chục người mặc y phục dân tộc. Tiếng Tày – Nùng xen lẫn tiếng Kinh ríu rít và con người vẫn hòa nhã như xưa. Lại cả tiếng Kinh nói theo ngữ điệu và thổ âm Tày, rất dịu dàng mà thánh thót. Con phố này đã mất dạng những ngôi nhà thấp lợp ngói âm dương, trở thành con đường ven sông Bằng, tuy xây cất đàng hoàng nhưng rất bẩn, và người thị xã cũng không có ý thức với dòng sông đẹp đẽ này. Rất nhiều rác, nước thải, phế liệu xây dựng đầu hai bờ. Cái ý thích nhảy xuống dòng sông bơi lũ đã tan biến.
Chắc 500 năm trước, khi tàn quân nhà Mạc lưu lại đất này, Cao Bằng còn hoang vu lắm. Những người lính đi đánh họ Mạc dặn vợ rằng: nàng về môi cái cùng con/ Để anh đi trầy nước non Cao Bằng. Ngoài vài đoạn thành đổ ở Cao Bằng và Lạng Sơn, người ta khó tìm thấy những di vật xa xưa ở miền sơn cước này. Ở huyện Hòa An có hai chuông cổ cao gần bằng đầu người, to đến hai người ôm của một ngôi chùa cổ đã bị tàn phá. Mươi năm trước, chúng tôi còn đi thăm chúng, không biết hiện nay thế nào. Nguyên thị trấn Cao Bằng là doi đất nằm giữa sông Bằng và sông Hiến, tiếng Tày gọi là Mục Mạ (nơi chăn ngựa), đất đai bằng phẳng, cỏ cây tươi tốt, nên người ta chăn thả giống ngựa Nước Hai rất to và đẹp. Giống ngựa này nghe nói lại từ ngựa nước Đại Lý cổ xưa, giờ đã tuyệt chủng. Những di vật của thời kháng chiến chống, Pháp thì Cao Bằng còn khá nhiều, đặc biệt là vùng Pắc Bó nơi Bác Hồ từng hoạt động và cách đó không xa là bản làng của chàng thiếu niên anh hung Nông Văn Dền (Kim Đồng). Người Cao Bằng luôn tự hào đây là quê hương cách mạng.
Khi trước lên Cao Bằng, tôi thường thăm nhà thơ Triều Ân. Ông đã sưu tầm và xuất bản nhiều tập thơ ca dân gian Tày – Nùng rất có giá trị, giờ thì ông đã về quê chăn trâu, không biết còn làm thơ nữa không. Cũng may lần này tôi gặp ông Hiền, cũng là bạn vong niên, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Cao Bằng, đã nghỉ hưu, ông nói đang dành nhiều thời gian về quê ở gần thác Bản Giốc, sưu tầm văn hóa dân tộc mình, một công việc yêu thích từ bé, e rằng vài mươi năm nữa thì văn hóa đặc sắc dân tộc mất sạch. Tôi đem ý kiến ấy nói với người bạn họa sỹ ở đây, anh bảo một bộ quần áo dân tộc mới giá vài chục nghìn, ai muốn ăn mặc như xưa nữa. Sự mất mát của văn minh vật chất có nhiều lý do, không hẳn vì đắt rẻ, hay tiện dùng, trog đó nguyên nhân chính là suy thoái tinh thần văn hóa.
Nhà máy của bạn tôi tọa lạc trên một sườn đồi chừng bảy héc ta gần bản Tấn, huyện Hòa An, đi sâu vào nữa là Nguyên Bình, nơi mới phát triển mỏ sắt hàm lượng tới 72%, và có thể khai thác 70 năm. Tôi cũng chỉ nghe nói thế, tôi không thuộc giỏi khoa học hay kinh tế, nên những con số ấy rất ít ý nghĩa. Giờ khai mạc lễ khởi công, tôi rất thích màn trình diễn của các cô gái mặc y phục Tày xanh sẫm, đánh đàn tính và hát ngân nga như dòng suối lượn quanh rừng, mặc dân họ cũng hơi chuyen nghiệp rồi. Rồi sau đó tôi cùng nhà báo Trần Chiến đi xuống bản Tấn. Bản này ít người, rải rác vài nóc nhà ven suối, cnahr thì đẹp nhưng không sạch lắm. Bà cụ bán hàng mời chúng tôi ăn tào phớ nói rằng nhà làm lấy, không sợ ô nhiễm đâu. Nhiều bà con đi xem văn nghệ về cũng vào dây ăn, tiếng Kinh là chính, chen lẫn vài câu tiếng Tày. Họ đều vui vẻ và thân thiện cũng như lo ngại về môi trường nếu như có nhà máy. Nhà máy thì khẳng định không làm ô nhiễm môi trường. Hiện Cao Bằng công nghiệp gần như chưa có gì, môi trường kém đi do phá rừng, xây dựng đô thị mới và vứt rác , xả nước thải xuống sông suối. Các con sông miền núi đều là đầu nguồn của sông đồng bằng, sự ô nhiễm từ hóc không hay chút nào cho cư dân Việt Nam vốn sinh sống dọc theo các triền sông. Tôi nghĩ rằng giữ rừng, sông suối và bảo tồn văn hóa gốc nên là mục tiêu hàng đầu của các tỉnh vùng cao. Hai cái này có quan hệ tương sinh. Sự phát triển kinh tế hiện tại chưa tìm được cách cộng sinh với hai vấn đề trên.
Từ Bắc Kạn, qua huyện Phổ Thông, vượt qua đèo Giàng, đèo Gió và đèo Cao Bắc, phong cảnh từng nơi thay đổi, đẹp đẽ và hung vĩ, khi chiều tà xuống, mặt trời dốc ngược anh sáng chói chang lên nền trời. Ở đỉnh đèo Gió, có nhiều hàng quán bán sản vật như lá rừng chữa bệnh, măng ngâm ớt, quả mác kham, nom thật thích mắt. Từ Cao Bằng theo đường số 4 đi Lạng Sơn, lác đác những xóm nhỏ, nhà sàn lợp ngói âm dương, vách đất ấm cúng và nên thơ nép vào sườn núi. Nếu không kể những con đường làm dang dở đất đá ngổn ngang, thì không khí nơi đây thật trong lành và yên bình. Nhiều bản nhỏ ẩn dưới thung lũng sâu, muốn lên đường thì cũng phải mất cả ngày . Chúng tôi bảo nhau họ sống thế kia, không internet, báo chí, không tranh đua, thật là đơn giản và sung sướng làm sao!