Việt Nam bắt đầu sản xuất sắt xốp và phôi thép theo công nghệ sạch
Tháng 11 tới đây, Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MIREX) sẽ hoàn tất nhà máy sản xuất sắt xốp và phôi thép đầu tiên của nước ta đặt tại Cao Bằng. Đây là công nghệ hoàn nguyên quặng sắt không cần tới than cốc như công nghệ lò cao truyền thống, vừa tận thu được tài nguyên sẵn có, vừa không phát thải khí CO2
Tháng 11 tới đây, Công ty cổ phần khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MIREX) sẽ hoàn tất nhà máy sản xuất sắt xốp và phôi thép đầu tiên của nước ta đặt tại Cao Bằng. Đây là công nghệ hoàn nguyên quặng sắt không cần tới than cốc như công nghệ lò cao truyền thống, vừa tận thu được tài nguyên sẵn có, vừa không phát thải khí CO2. Trao đổi vối phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đặng Văn Mấn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách đầu tư của Công ty cho biết:
- Công nghệ MIREX xử dụng than gầy Antraxit trong nước để hoàn nguyên quặng sắt thành sắt xốp (còn gọi là thép các bon thấp) có tỷ lệ các bon nhỏ hơn 1%. Đây là nguyên liệu lý tưởng để kết hợp với các nguyên tố hợp kim có sẵn trong nước, tạo nên các phôi thép hợp kim theo nhu cầu của từng ngành kinh tế như đóng tàu, y tế, dầu khí, quốc phòng…Với công nghệ này, ngành luyện thép sẽ không phải nhập than mỡ luyện cốc (chiếm tới 40% giá thành của thép) và chủ động tạo ra các loại thép hợp kim cần thiết cho nền kinh tế nước nhà.
Thưa ông, công nghệ MIREX vẫn dùng than Antraxit, vì sao ông nói công nghệ này không phát thải khí CO2 như Công nghệ lò cao?
Chúng tôi sử dụng than Antraxit như một nguyên liệu hóa thành khí đốt CO đưa vào hệ thống lò nung để “lấy” ô xy trong sắt, nhưng khí thải gồm cả các bon và o xýt các bon không bay lên trời mà quay trở lại tiếp tục tuần hoàn quá trình lấy oxy cho đến khi quặng sắt trở thành sắt xốp, và khí CO2 thoát ra chỉ còn một lượng rất ít, không đáng kể. Đây là công nghệ hoàn nguyên quặng sắt trực tiếp, khác hẳn công nghệ luyện thép gián tiếp lò cao truyền thống sẽ phát thải khí CO2 cả trong quá trình luyện than mỡ thành than cốc và luyện thép.
Vì thế nói tới MIREX là nói tới công nghệ “phi cốc, thân thiện môi trường”.
Liệu có thể tính được, với công suất 100.000 tấn sắt xốp/năm giai đoạn 1 nhà máy MIREX Cao Bằng sẽ giảm thiểu được bao nhiêu tấn khí CO2 phát thải nếu so với công nghệ luyện cốc lò cao?
- Muốn so sánh được phải cùng các tham số như: Lò cao cũng phải 100.000 tấn, rồi tiêu hao than cốc là bao nhiêu tấn, mà mức tiêu hao than cốc lại phụ thuộc vào thể tích lò (ví dụ ở Việt Nam các lò cao luyện gang từ lò lớn đến lò bé tỷ lệ tiêu hao than cốc cho 1 tấn gang từ 0,7 đến 1,4 tấn). Nên chúng tôi chưa đặt vấn đề thống kê số liệu này. Chỉ biết rằng khí CO2 thải ra của nhà máy chỉ bằng vài phần trăm của lò cao luyện gang. Nếu tính cả việc phải luyện than cốc từ than mỡ, thì công nghệ của sắt xốp coi như công nghệ sạch.
Nhiều nước trên thế giới tiến hành sản xuất sắt xốp và phối thép hợp kim từ lâu, MIREX có gì khác biệt so với các công nghệ đó?
Các nước Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc.. . tiến hành sản xuất sắt xốp và phôi thép từ nhiều năm nay hàng chục năm. Nhưng MIREX được trao bằng độc quyền phát minh sáng chế đối với công nghệ sản xuất sắt xốp và phương pháp luyện thép hợp kim từ sắt xốp; bởi sau khi nghiên cứu, làm thực nghiệm, tham quan, học tập được rất nhiều kinh nghiệm từ các nhà máy của các nước, chúng tôi đã đưa ra một công nghệ khác hẳn so với các công nghệ hiện có trên thế giới. Đặc biệt tại công đoạn hoàn nguyên, chúng tôi đã thiết kế hệ thống lò siêu ngắn, nhưng đạt công suất cao vì giảm thời gian công nghệ.
Ông có thể nói rõ lợi thế của hệ thống lò siêu ngắn này?
- Đây là bí mật công nghệ, xin phép không được phép công bố
Còn về công nghệ, công đoạn hoàn nguyên có phải là “mấu chốt” của MIREX ? Vì sao vậy?
- Đúng vậy! Làm thế nào để tách được ôxy ra khỏi ôxit sắt vốn nó đã liên kết hoá học chặt chẽ và khó hơn là phải đạt được tiêu chuẩn để làm thép hợp kim cả là một chặng đường nghiên cứu gian nan vất vả của công ty. Ngay khi chưa có Công ty này, nhiều anh em trong chúng tôi đã tiếp cận, nghiên cứu, thí nghiệm và sản xuất thử sắt xốp và phôi thép ở những lò ít ai ngờ tới tại làng gốm Bát Tràng, lò điện nhà máy xe lửa Gia Lâm, lò điện xỉ Viện công nghệ Bộ Quốc phòng…đó là những ngày tháng bỏ tiền túi cho đam mê chinh phục công nghệ hoàn nguyên quặng sắt để có ngày hôm nay.
Có thể hiểu MIREX vừa sáng chế công nghệ, vừa thiết kế nhà máy cho chính mình vậy việc xây dựng nhà máy có gặp khó khăn gì thưa ông?
- Khó là ở chỗ, hiện trong nước chưa chế tạo được các thiết bị cho dây chuyền này. Chúng tôi phải thiết kế và ký hợp đồng với các nhà máy nước ngoài. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra suôn sẻ, đến nay chúng tôi đã cơ bản xây dựng xong cơ sở hạ tầng cho giai đoạn 1 của dự án (công suất 100.000 tấn phôi thép hợp kim năm), hoàn thành vận chuyển và lắp đặt hơn 3000 tấn thiết bị trong thời gian 7 tháng cho dây chuyền sắt xốp 100.000 tấn /năm.
Trong thời gian này, chúng tôi còn thăm dò, khảo sát và được cấp phép khai thác trên 600.000 tấn quặng tại mỏ huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
7 tháng để ký hợp đồng , tiếp nhận, vận chuyển và lắp đặt được hơn 3000 tấn thiết bị là một con số khó tưởng, vì sao có được?
- Không kể thời gian ký hợp đồng. Để tiếp nhận và lắp đặt siêu tốc như vậy đó cả là một nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy của ban lãnh đạo và góp sức của toàn công ty. Nhất là trong bối cảnh kinh tế hiện nay, thì điều đó thực sự có ý nghĩa. Chỉ có ý chí sắt đá thì mới làm được.
MIREX không phải là doanh nghiệp có tên tuổi trong làng luyện kim VN, ông có thấy mạo hiểm khi đầu tư vào công nghệ sản xuất sắt xốp?
- Nếu ai cũng sợ, thì bao giờ Việt Nam mới tiến kịp các nước tiên tiến khác. Phải có người đi đầu chứ! Bởi vì trong tim mỗi người toàn công ty đều có câu: ” MIREX - NIỀM TIN THÉP”
Nay nhà máy sắp đi vào sản xuất, điều ông lo ngại nhất là gì?
- Chúng tôi lo lắng nhất là nguồn nguyên liệu. Chúng tôi mong muốn được sự ủng hộ tích cực và hiệu quả của Đảng và nhà nước, của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của tỉnh Cao Bằng.
Câu hỏi cuối cùng xin ông cho biết vì sao MIREX lại chọn Cao Bằng, địa bàn không mấy thuận lợi về giao thông, cũng không phải là nơi giàu có nhất về sắt làm điểm mở đầu cho cuộc cách mạng về sản xuất phôi thép hợp kim mác cao của Việt Nam?
- Vì hai lẽ - Về khách quan: Quặng sắt Cao Bằng tốt cho làm thép qua sắt xốp, đây là yếu tố khởi đầu thành công.
- Bác Hồ lần đầu về nước, Người đặt chân lên mảnh đất Cao Bằng. Nhiều anh em chúng tôi là “lính” của Người, chúng tôi muốn tri ân mảnh đất còn gian khó nhưng không kém khát vọng này. Cảm ơn ông.