Cao Bằng là một tỉnh miền núi có nhiều loại tài nguyên khoáng sản, theo tài liệu địa chất, trên địa bàn toàn tỉnh có trên 100 mỏ và điểm mỏ gồm các loại khoáng sản: Mangan, sắt, vàng, thiếc, chì – kẽm, đồng – Niken,...trong đó quặng Mangan chiếm phần lớn trữ lượng quặng Mangan của cả nước. Ngoài Mangan, các khoáng sản còn lại có trữ lượng không lớn, phân bố phân tán; tài liệu địa chất mới chỉ dừng ở mức độ đo vẽ bản đồ địa chất, tìm kiếm đánh giá – Điều này gây khó khăn cho việc lập quy hoạch khai thác, sử dụng và lập dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản.
Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản chiếm khoảng ½ giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh Cao Bằng nên đây là lĩnh vực nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Chương trình phát triển thủy điện và khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh là một trong 9 chương trình trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XVI (nhiệm kỳ 2006 – 2010), nội dung cụ thể của chương trình có mục tiêu là khai thác khoáng sản phục vụ cho chế biến, chấm dứt tình trạng khai thác quặng để xuất quặng thô sang Trung Quốc như những năm trước đây. Thực hiện chủ trương chế biến sâu, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 03 dự án luyện gang với tổng công suất 150.000 tấn/năm, 01 nhà máy sản xuất sắt xốp với công suất 200.000 tấn/năm do Công ty Cổ phần khoáng sản và Luyện kim Việt Nam (MIREX) làm chủ đầu tư và Khu liên hợp gang thép với công suất 220.000 tấn phôi thép/ năm do Tổng Công ty Khoáng sản – TKV làm chủ đầu tư đang được xây dựng. Đối với khoáng sản manga, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 08 dự án sản xuất Feromanga, Danga điện giải và bột Dioxitmanga với tổng công suất 50.000 tấn Feromanga, 20.000 tấn manga điện giải và 6.000 tấn bột Dioxitmangan mỗi năm.
Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động khoáng sản đã được triển khai từ cách đây nhiều năm, nhưng nhận thức của các tổ chức, cá nhân và cả một số nơi trong các cấp chính quyền cũng còn nhiều yếu kém, điều này dẫn đến nhiều vi phạm trong hoạt động khoáng sản. Thêm vào đó các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn phần lớn chỉ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất mà ít chú ý đầu tư về nhân lực, các điểm mỏ phần lớn chưa được đầu tư thăm dò mà chỉ có tài liệu sơ bộ nên việc khai thác thực hiện chủ yếu theo kinh nghiệm.
Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan làm tốt chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể từ khâu thẩm định dự án đầu tư đến việc theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện các dự án, tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị, cân đối vùng nguyên liệu cho các dự án đầu tư chế biến khoáng sản,... Tuy nhiên, do khoáng sản trên địa bàn tỉnh chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ, lại đã qua quá trình khai thác lâu dài cả có phép và trái phép (nhất là quặng Mangan), nên trữ lượng khoáng sản còn lại hiện nay chưa có số liệu chính xác, các quy hoạch đã lập (kể cả quy hoạch Trung Ương) do mức độ đầu tư có hạn nên chỉ dựa trên những báo cáo địa chất đã được lập từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước, trừ đi một hệ số tổn thất nên mức độ chính xác thấp. Việc cấp phép dựa trên quy hoạch và các báo cáo địa chất cũ nên trữ lượng và công suất khai thác ghi trong giấy phép thường không chính xác; các đơn vị khai thác hầu hết là các doanh nghiệp tư nhân, mức độ đầu tư có nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm chuyên môn trong việc tổ chức hoạt động khai thác nên hầu hết các mỏ không đạt công suất khai thác theo giấy phép, không tận thu được khoáng sản, thường có hiện tượng dễ làm, khó bỏ.
Vấn đề an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản là một vấn đề cần được quan tâm, nhất là khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng. Cao Bằng có tiềm năng về khoáng sản, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo trong lĩnh vực này lại thiếu dẫn đến tình trạng các đơn vị sau khi được cấp phép thường khoán việc tổ chức khai thác cho các nhóm nhân công ở địa phương khác dưới dạng hợp đồng kinh tế và chỉ quản lý sản phẩm cuối cùng. Do chỉ tính hiệu quả kinh tế nên vấn đề đảm bảo an toàn lao động ít được quan tâm, khi xảy ra tai nạn lao động thường chỉ bồi thường thông qua thỏa thuận mà không báo cáo nên các cơ quan chức năng không nắm được số liệu chính xác.
Hoạt động khai thác khoáng sản thường đi đôi với ô nhiễm môi trường, dù trước khi tiến hành khai thác các đơn vị đều lập Báo cáo Đánh giá tác động môi trường, trong đó nêu cụ thể các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm nhưng trong quá trình hoạt động, để tiết kiệm chi phí đầu tư, nhiều hạng mục phục vụ cho việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường thường bị cắt bớt và doanh nghiệp tìm mọi cách để xả thải ra môi trường mà không qua xử lý dẫn đến một số vụ sự cố môi trường như vỡ đập chắn thải gây ảnh hưởng đến đất canh tác của nhân dân. Ngoài ra hoạt động khai thác trái phép cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, nhất là gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hoạt động khai thác trái phép sử dụng các phương tiện cơ giới công suất lớn khai thác theo kiểu chụp giật. Vấn đề hoàn thổ đất đai sau khi kết thúc khai thác cũng là vấn đề gây ra bức xúc do các doanh nghiệp sau khi kết thúc hoạt động khai thác thường tìm mọi cách chây ỳ hoặc chỉ hoàn thổ theo kiểu đối phó. Mặt khác, hiện nay còn nhiều điểm mỏ đang trong thời hạn khai thác mà đơn vị không tổ chức hoạt động khai thác hoặc đang trong thời gian chờ xin gia hạn nên hiện tại mới chỉ có một số mỏ đã kết thúc khai thác có quyết định đóng cửa mỏ.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, khoáng sản bị đem bán trái phép qua biên giới chủ yếu là quặng manga và quặng sắt, việc bán quặng trái phép qua biên giới sang Trung Quốc dưới nhiều hình thức từ nhiều năm nay là vấn đề nan giải mà hiện nay tỉnh đang nỗ lực đề ra nhiều biện pháp để giải quyết triệt để. Do các điểm quặng mangan đều phân bố ở các huyện, xã giáp biên giới, ngoài các điểm mỏ có trữ lượng quặng đáng kể đã được giao cho các đơn vị được cấp phép quản lý và khai thác thì vấn còn nhiều điểm mỏ lẻ nằm rải rác chưa được quản lý nhất là các điểm sát biên giới thuộc hai huyện Trà Lĩnh, Trung Khánh. Đối tượng bán quặng trái phép ở đây chủ yếu là dân địa phương, nhất là những lúc nông nhàn, có những thời điểm khi giá mua quặng của phía Trung Quốc lên cao, một số người dân còn tổ chức trộm quặng của các đơn vị khai thác để bán trái phép qua biên giới. Trong những năm vừa qua, chính quyền các cấp ở Cao Bằng, nhất là các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh đã rất kiên quyết trong việc ngăn chặn, vận chuyển trái phép qua biên giới như tổ chức các trạm kiểm soát, tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân,... nhưng kết quả đạt được chưa cao do chưa có giải pháp đồng bộ để giải quyết công ăn việc làm tăng thu nhập cho người dân vùng có quặng, đường biên giới dài, địa bàn phức tạp, lực lượng mỏng nên không thể duy trì được liên tục và rộng khắp trên toàn tuyến.
Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và địa phương nhưng việc quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn nhiều bất cập. Để tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả, đảm bảo môi trường hoạt động khoáng sản trên địa bàn thì các cấp, các ngành và địa phương cần thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác quản lý khoáng sản, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, thông qua đó huy động toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Thực hiện tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, giám sát việc đảm bảo môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện đình chỉ, xử lý và giải tỏa hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái luật. Nâng cao năng lực và vai trò của đơn vị được cấp phép và chính quyền địa phương (xã, huyện). Khi phát hiện hoạt động trái phép chính quyền và doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt qua thẩm quyền, nếu vượt qua thẩm quyền, trách nhiệm và khả năng của địa phương thì các ngành của tỉnh phải có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ xử lý để ngăn chặn và kiềm chế kịp thời mọi hành vi trái pháp luật, không để tồn tại kéo dài.
Hai là, các ngành phối hợp tuyên truyền pháp luật khoáng sản, công khai các quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, các thủ tục hành chính; nêu gương các đơn vị điển hình có hoạt động sử dụng khoáng sản đạt hiệu quả; đề cao trách nhiệm và phối hợp tốt giữa các ngành: Công thương, Tài nguyên Môi trường, Xây dựng, Thuế, Tài chính, Kế hoạch – Đầu tư cùng các địa phương về quản lý khoáng sản và giải quyết các thủ tục đầu tư, xây dựng, khai thác, chế biến, thuê đất trong hoạt động khoáng sản.
Ba là, xây dựng hệ thống văn bản xác định khối lượng khai thác khoáng sản để tính thuế tài nguyên, phí môi trương sát thực tế, có cơ sở khoa học, để cho các doanh nghiệp kê khai và nộp để tăng thu ngân sách từ hoạt động khoáng sản. Thực hiện nghiêm việc thuê đất trong khai thác, chế biến khoáng sản, giám sát việc thực hiện các thỏa thuận ban đầu của doanh nghiệp được thuê đất. Các ngành hữu quan và các địa phương cần kịp thời thanh tra, kiểm tra các hoạt động khoáng sản của các doanh nghiệp.
Thực hiện tốt các giải pháp nêu trên sẽ góp phần duy trì tốt công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn nạn khai thác trái phép, góp phần khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn khoáng sản của tỉnh, tạo nguồn thu cho ngân sách, công ăn việc làm cho người lao động, bảo vệ môi trường sinh thái, an toàn lao động và ninh ninh xã hội./.