Cái gì tiên phong thì cũng dễ gặp thách thức như chia sẻ của ông Đặng Văn Mấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Mirex. “Nhưng dù có thách thức và gian khó đến đâu, chúng tôi cũng quyết tâm theo đuổi đến cùng”.
Lời chia sẻ đầy khẳng định trên của vị đại tá quân đội đã nghỉ hưu, giờ đem tâm sức và của cải cống hiến cho ngành công nghiệp thép này như một cam kết sống, truyền lửa niềm tin tới hơn 300 cán bộ công nhân viên hiện tại của công ty.
Không chọn đường bằng phẳng, họ chọn cho mình hướng đi đầy thử thách. Theo dòng tâm sự, ông Đặng Văn Mấn chia sẻ: Thật sự có nhiều người không hiểu vì sao chúng tôi lại chọn Cao Bằng - một nơi xa xôi và không ít khó khăn để triển khai công việc này.
Mirex - Những ngày đầu tiên
Về khách quan mà nói, thực tế, với công nghệ làm sắt xốp thế giới đã có từ lâu và ở Việt Nam, từ những năm 1990 đã triển khai nhưng do những kiến thức và công nghệ lúc đó chưa đủ nên sắt xốp làm ra không đạt chất lượng, thậm chí còn gây nhiều bất lợi cho hệ thống lò nung. Cán bộ công nhân viên công ty Mirex với xuất phát điểm từ nhiều nơi khác nhau: Trung tâm, viện nghiên cứu, học viện, các công ty… cùng về đây bắt tay vào làm, từng bước rút kinh nghiệm, tìm ra căn nguyên của thất bại và lý do của thành công, từ đó đề ra phương pháp và hình thức công nghệ để có thể giải quyết triệt để các vướng mắc.
Chẳng hạn như: Phương pháp hoàn nguyên sản xuất không phải là phương pháp nung chảy mà chỉ nung đến một nhiệt độ nhất định để cho các phản ứng lấy oxy trong ôxít sắt. Vấn đề quan trọng là lấy được ôxy ra khỏi ôxít sắt thì cũng dễ có khả năng ôxy quay trở lại. Có thể thấy đây là một mấu chốt và làm thế nào để có thể ngăn chặn hiệu quả quá trình oxy hóa trở lại.
Thực tế đã chứng minh, rõ ràng phương pháp hoàn nguyên này rất ưu điểm bởi phản ứng xảy ra triệt để, nhanh, thời gian hoàn nguyên ngắn, sản xuất và kéo theo đó là cả quy trình được giảm thiểu tối đa. So sánh với phương pháp truyền thống luyện từ gang ra thép, dễ dàng thấy tính ưu việt hơn hẳn cả về công nghệ và hiệu quả kinh tế.
Lấy một ví dụ như thế này: Cácbon trong sắt xốp rất thấp, dưới 1% và đó là điều quan trọng quyết định nên chất lượng của thép. Mirex thậm chí đã làm ra được những tấm thép 0% cácbon. Thành phần cácbon thấp như thế giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, đó là: cần thép ở độ cácbon nào thì chỉ cần pha thêm. Từ sắt xốp có thể làm ra thép không gỉ cùng nhiều loại thép hơp kim khác nhau. Tuy nhiên, đó cũng là một trong những thử thách bởi trong khoa học, để đạt một kết quả nào đó cũng rất phức tạp, không đơn giản, thuận chiều nếu không muốn nói là nhiều vướng mắc. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, Mirex đã thành công với việc ra thép hợp kim, mẫu thép xây dựng… làm từ sắt xốp.
Trước các ý kiến tỏ ra nghi ngờ việc sản xuất thành công sắt xốp, Mirex đã tự tin chắc chắn đã thử nghiệm tốt và sẽ sản xuất hàng loạt thành công. Khi đã làm chủ công nghệ sắt xốp, Mirex sẽ bắt tay làm ra những sản phẩm ngành thép ấp ủ đã lâu – thép hợp kim. Hiện tại, Việt Nam chưa sản xuất được thép hợp kim và trong suốt thời gian qua chỉ tập trung vào thép xây dựng, trong đó chủ yếu làm phôi thép từ sắt thép vụn là chính hoặc mua thép hợp kim 100% của nước ngoài.
Sản xuất thép truyền thống gặp phải 2 trở ngại lớn, đó là: nguồn than cốc ở Việt Nam chưa có, chỉ có một chút ở Quảng Ninh nhưng không đáp ứng được yêu cầu bởi thế chúng ta hoàn toàn bị phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu ở bên ngoài. Thêm vào đó, toàn bộ quá trình xử lý than cốc cho đến quá trình luyện gang sau này lại gây ô nhiễm môi trường. Do đó, với việc sản xuất sắt xốp theo công nghệ mới mà Mirex đang triển khai sẽ giải quyết bài toán về 2 trở ngại trên, không phải dùng nhiên liệu nhập ngoại và cũng gây ô nhiễm môi trường. Cộng với việc từ nguồn sắt xốp dễ dàng tạo ra các loại thép hợp kim khác nhau thì càng làm lợi cho quốc gia. Nói cách khác, khi bản thân mình làm chủ công nghệ, mình tự lực để làm chủ sản xuất trong nước thì rõ ràng sẽ làm lợi rất nhiều: thuế nhập khẩu, chi phí vận tải…
Với đặc trưng chủ động, linh hoạt của công ty cổ phần, thời gian qua công ty đã “làm tắt” và rút gọn được nhiều khâu khiến cho tiến độ rất nhanh. Chưa bao giờ có dự án mới triển khai 2 năm mà đã được nhanh như thế này. Chỉ trong 8 tháng gần đây, vừa vận chuyển thiết bị từ nước ngoài vừa lắp đặt được gần 4000 tấn thiết bị và xây dựng một khuôn viên khá khang trang trên một vùng đồi vốn rất heo hút và hoang sơ của huyện Hòa An và Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Mirex – nơi thể hiện của khát khao, ý chí và sáng tạo
Rất nhiều ý kiến đưa ra đầu tư tại Cao Bằng có nhiều bất lợi, bởi sản xuất công nghiệp cần gần vùng nguyên liệu, thuận lợi cho việc mua nhiên liệu cũng như bán sản phẩm.Tiếp dòng tâm sự, ông Đặng Văn Mấn cho biết: Thực ra, ban đầu dự án đề cập tới 5 địa phương bao gồm Lào Cai, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Kạn, nhưng cuối cùng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, nhận thấy ở Cao Bằng có 2 lợi điểm cả về khách quan và chủ quan, chúng tôi đã quyết định chọn mảnh đất này làm nơi xây dựng nhà máy. Lợi điểm về khách quan, đó là, quặng sắt ở Cao Bằng là tốt nhất, hàm lượng sắt cao, chất có hại (phốt pho, lưu huỳnh) ít. Lợi điểm về chủ quan, đó là, xuất phát từ chính ý tưởng của những người sáng lập nên Mirex, Cao Bằng là vùng đất khai sinh đầu tiên của ngành luyện kim Việt Nam. Nếu đặt Mirex ở đây cũng đồng nghĩa sẽ làm nên một cái “nôi” luyện kim mới của Việt Nam. Thêm nữa, ở đây cũng thuận lợi về thông thương buôn bán với Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ lớn.
Vừa rồi, gặp phải cơn khủng hoảng chung, Mirex cũng gặp nhiều khó khăn nhưng tất cả ban lãnh đạo công ty và toàn thể công nhân viên đều quyết tâm vượt khó. Nhà máy đã chạy thử thành công và giờ chỉ cần thêm vốn cũng như thời gian để đưa vào sản xuất hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Ngọc Linh – Giám đốc phụ trách công nghệ đầy nhiệt thành chia sẻ: Thép là một ngành công nghiệp già cỗi và đã phát triển lắm rồi. Bình thường khi đầu tư mới, người ta sẽ không quan tâm đến thép nhưng thực chất có nhiều con đường khác nhau để đạt được kết quả và nếu ai chăm chỉ tìm tòi, biết khai thác sẽ có kết quả cao. Bản thân tôi có may mắn được học hành bài bản, lại có điều kiện nghiên cứu mổ xẻ trong thực tế nên có nhiều thuận lợi trong nghề; có những nhạy cảm nhất định và qua đó thấy trân trọng hơn, tận dụng và phân tích những kinh nghiệm của người đi trước và của chính những người lao động trực tiếp.
Ông Nguyễn Ngọc Linh cũng cho rằng: Lợi thế của Mirex là chủ động nghiên cứu, tìm ra và nắm bắt công nghệ, quy trình. Điều quan trọng hơn nữa là mỗi cá nhân đến với Mirex đều được thỏa sức triển khai ý tưởng, có phương tiện làm việc, được tin tưởng và được cấp kinh phí để nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Và nếu nói về Mirex, phải nói thế này: đây là nơi để tất cả chúng tôi tìm cách phát triển công nghệ mới của ngành thép.
Ông Nguyễn Ngọc Linh kể thêm: Gặp gỡ với ông Nguyễn Xuân Liêu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cũng là một cái duyên kỳ ngộ bởi tôi đã gặp được người hiểu và thông cảm với mình, tin vào mình, lại có thể cùng chia sẻ và đầu tư cho mình. Qua đó, tất cả chúng tôi đã cùng nhau quyết tâm, nghiên cứu, tìm tòi, tìm ra con đường nhanh nhất, ngắn nhất mà lại hiệu quả nhất để sản xuất sắt xốp và hướng tới sản xuất thép hợp kim. Nếu nói Mirex là nơi mỗi cá nhân được thể hiện ý tưởng và đưa vào thực tế thì không sai chút nào.
Cái gì khiến những con người ở từ các vùng miền của đất nước quy tụ lên mảnh đất vùng cao Cao Bằng này? Đứng trên khu đồi cao của Nhà máy, ngắm nhìn toàn cảnh một vùng, chứng kiến sự lao động hăng say và nhiệt tâm của những người cán bộ, công nhân viên và cả các chuyên gia Trung Quốc sang đây hợp tác về công nghệ, chúng tôi mới thấy hết sức mạnh của niềm tin và nhận thức được rằng: sợi dây kết nối Mirex không gì khác chính là ở phương châm của công ty này: NIỀM TIN THÉP. Chính niềm tin kết nối mọi người, niềm tin tạo ra sức mạnh để họ lạc quan và vượt lên trên mọi khó khăn tin tưởng vào thành công vào tương lai rất gần của ngành thép nói chung và hoạt động sản xuất – kinh doanh hiệu quả của Mirex nói riêng.
Mùa Xuân Canh Dần 2010 đang về. Mirex bước sang mùa xuân thứ 4 (từ năm 2006) hứa hẹn thành công trên con đường còn nhiều thử thách và chông gai.